Lịch sử Di-lan-đà vấn đạo

Một phần của loạt bài về
Phật giáo Nguyên thủy

"Di Lan Đà vấn đạo" thuật lại cuộc đối thoại giữa đức vua Menandros I và vị tì-kheo Na Tiên.[4][5] Sau đó, bộ "Di Lan Đà vấn đạo" đã được kết tập ở vùng Bắc Ấn vào khoảng giữa thế kỷ I. Trong nguyên bản tiếng Pāli, sách nói rằng những cuộc đối thoại giữa hai người đã diễn ra năm trăm năm sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn. Phần lớn các học giả đồng thuận rằng công trình này là một sản phẩm được thêm thắt theo thời gian. Ủng hộ cho lập luận này cần lưu ý rằng các phiên bản dịch sang chữ Hán của tác phẩm ngắn hơn đáng kể.[ghi chú 1]

Phần sớm nhất của bộ kinh có lẽ đã được viết vào khoảng thời gian nào đó giữa năm 100 TCN và 200.[6] Văn bản trong kinh có lẽ đã được viết bằng chữ Sanskrit. Nhà Ấn học người Đức von Hinüber đề xuất rằng, dựa trên bản dịch chữ Hán cũng như một số khái niệm độc đáo trong văn kiện thì bản gốc của tác phẩm có lẽ đã được viết bằng tiếng Gandhari.[7] Tuy nhiên, ngoại trừ phiên bản tiếng Pali cùng các dẫn xuất của nó ở Tích Lan ra thì không có phiên bản nào khác được biết đến.

Bản viết tay cổ nhất của bộ kinh bằng tiếng Pali đã được sao chép vào năm 1495. Dựa trên các bằng chứng trong chính cuốn sách, nhiều phần quan trọng của nó đã bị mất, khiến "Di Lan Đà vấn đạo" trở thành văn bản tiếng Pali duy nhất được biết là đã được lưu truyền lại dưới dạng không đầy đủ.[8]

Bản khắc trên đá cẩm thạch của "Di Lan Đà vấn đạo" được thông qua tại Đại hội kết tập kinh điển Phật giáo lần thứ năm ở Miến Điện và bản in được thông qua vào đại hội lần thứ sáu.

Giáo sư Thomas Rhys Davids đánh giá rất cao bộ kinh này, và cho rằng là tác phẩm vĩ đại nhất của văn xuôi cổ điển Ấn Độ:

"Tôi dám nghĩ rằng cuốn "Di Lan Đà vấn đạo" phải là một tác phẩm văn xuôi tuyệt tác của Ấn Độ; và trên phương diện văn học, đây quả là cuốn sách hay nhất xưa nay so với những sách cùng một thể loại, bất kể đã xuất phát ở một nước nào."[9]

Đặc điểm của bộ kinh này là được xem như một cuộc giao lưu đầu tiên giữa người Âu-Á, cũng như cuộc học đạo giữa một người phương Tây (vua Menandros) với văn hóa Hy Lạp muốn học hỏi giáo pháp uyên áo của đạo Phật phương Đông qua sự giải đáp của một vị tăng (tỳ kheo Nàgasena) ở thung lũng sông Ấn. Qua đó Phật pháp được trình bày một cách thuyết phục và dễ nhớ. Vốn là người dòng dõi Hy Lạp, quốc vương Menandros đã hỏi khá nhiều câu hỏi mà người phương Tây thường thắc mắc về những đề tài rất cấp thiết đại loại như "Nếu không có linh hồn thì cái gì sẽ tái sanh?", hoặc là "Nếu không có cái ta thì ai đang trò chuyện với ngài", cho nên đối với những người Âu muốn tìm hiểu Phật pháp, bộ kinh "Di Lan Đà vấn đạo" rất gần gũi.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Di-lan-đà vấn đạo http://xn--izc.blogspot.com/2011/07/milinda-prashn... http://www.sacred-texts.com/bud/milinda.htm http://www.buddhanet.net/pdf_file/milinda.pdf http://www.aimwell.org/milinda.html http://www.cbeta.org/result/T32/T32n1670b.htm http://www.nichirenlibrary.org/en/dic/Content/M/10... http://vnbet.vn/mi-tien-van-dap-195.html https://books.google.com/books?id=8jPYUCy-GxQC https://www.oxfordreference.com/view/10.1093/oi/au... https://books.google.de/books?id=4ZQulqQ7vTMC&pg=R...